Review Mùi Cỏ Cháy: Nhìn Lại Hình Ảnh Người Lính Hà Nội Trong Những Năm Tháng Chiến Tranh

Thành Phố Hà Nội
0

 

Review Mùi Cỏ Cháy: Nhìn Lại Hình Ảnh Người Lính Hà Nội Trong Những Năm Tháng Chiến Tranh

"Mùi cỏ cháy" là một bộ phim xúc động nói về sự hy sinh của những người lính xuất thân từ giảng đường Hà Nội lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Đề tài người lính luôn là một đề tài đẹp đem lại nhiều niềm cảm hứng cho thi ca, âm nhạc và các môn nghệ thuật khác. Điện ảnh cũng không phải ngoại lệ. Chắc hẳn là một học sinh sinh ra, lớn lên và được thụ hưởng nền giáo dục ở Việt Nam – một đất nước có bề dày lịch sử hào hùng và đã từng đi qua những cuộc chiến lớn, không ít người biết đến rất nhiều những áng thi ca và dòng văn tuyệt đẹp nói về hình ảnh người lính Việt như bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, Việt Bắc của Tố Hữu, Một mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải... 

Điện ảnh Việt cũng tỏ ra không hề kém cạnh với những bộ phim tôn vinh hình tượng người cầm súng như Cô bé Hà NộiVĩ tuyến 17 ngày và đêmHà Nội mùa đông năm 46... Và đặc biệt, nói về người lính Hà Nội, điện ảnh Việt Nam có Mùi cỏ cháy, một tác phẩm hình thành từ những trang nhật ký sinh động của biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và các đồng đội đã cùng ông đi qua những ngày tháng của Mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Bộ phim do đạo diễn Hữu Mười đảm nhận và ra mắt vào năm 2012. Mùi cỏ cháy xoay quanh câu chuyện về 4 người con của Hà Nội là một hội bạn chơi thân với nhau bao gồm Hoàng, Thành, Thăng, Long. 4 chàng trai sinh viên khoa Văn đại học Tổng Hợp Hà Nội là 4 tính cách tuy khác nhau nhưng chia sẻ nhiều điểm chung và cùng có niềm đam mê với nghệ thuật. 

Hoàng, Thành, Thăng, Long được gọi tổng động viên lên đường nhập ngũ và cùng nhau lên đường tiến vào Thành cổ Quảng Trị. Trước khi đi, cả bốn người cùng hẹn vào công viên Thống Nhất và chụp ảnh kỉ niệm bên cạnh bức tượng cô gái ngồi đọc sách trong công viên với tiếng cười đùa tinh nghịch. 

Người thợ ảnh rất quý bốn chàng trai này nên không lấy tiền, hẹn ngày các anh chiến thắng trở về chụp thêm kiểu nữa. Họ không thể biết rằng, bức tượng cô gái đọc sách ấy sau này lại trở thành một ẩn dụ rất lớn cho những niềm hy sinh lớn lao và trọng trách cao cả đè nặng lên vai những người lính trẻ. Dù từ bỏ giảng đường và những trang giấy trắng để lên đường làm nhiệm vụ, họ vẫn mang những nét đặc trưng của quê nhà vào cuộc đời lính, trở thành một chất lính.

Tâm hồn thơ mộng

Nhắc đến lính Hà Nội là nhắc đến sự tài hoa, đa cảm. Cả bốn người lính trong bộ phim đều là những chàng trai sinh viên khoa Văn với tâm hồn bay bổng, thơ mộng. Việc lớn lên và hít thở không khí của một đô thị cổ kính, trang nghiêm đã gieo mầm trong khí quản của họ một tinh thần ngăn nắp và lịch duyệt. 

Nhân vật Hoàng dựa trên chính hình mẫu biên kịch Hoàng Nhuận Cầm lúc trẻ. Anh là một sinh viên cởi mở, vui tính, đi đâu cũng mang theo cây đàn ghi-ta. Trong một lần bị không kích, vì muốn cứu cây đàn mà Hoàng đã bị thương, phải đi điều trị và chịu tách biệt với ba người bạn của mình. Sau này, Hoàng là người duy nhất sống sót qua cuộc chiến và lưu trữ những kỷ niệm về những người bạn của mình.

Còn Long là một nhà thơ lãng mạn, hiền lành. Anh hay có những suy tưởng riêng rất hồn hậu và trong sáng. Trước ngay hành quân vào Nam, anh quen một người con gái quê giặt áo bên giếng làng qua tiếng đàn và cả hai hẹn ước ngày trở về qua chiếc khăn thêu "Kỷ niệm 1971" và một chiếc châm kẹp tóc. 

Không như Hoàng, Long là người hy sinh đầu tiên trong nhóm bạn. Nấm mồ của anh vừa mới được đắp thì lại bị đạn pháo đánh tung lên. Khi anh ra đi, hình ảnh bức tượng cô gái đọc sách ở Hà Nội hiện ra với những giọt lệ máu tràn ra dưới khoé mắt, nhỏ xuống đôi bàn tay đang giữ chiếc khăn thêu "Kỷ niệm 1971". Và rồi mỗi lần một trong 4 người bạn ngã xuống, bức tượng cô gái lại nhỏ lệ máu xuống những kỷ vật của họ trong lòng bàn tay.

Bên cạnh những đặc điểm tài hoa, các người lính Hà Nội trong Mùi cỏ cháy còn là những người con hiếu thảo của quê nhà. Họ đều có những cái nhìn rất trẻ thơ đối với mọi thứ xung quanh. Trong doanh trại, xen lẫn giữa những buổi tập luyện khắc nghiệt, gian khổ là những giây phút trốn ngủ tâm sự, đọc thơ, hát chèo, cảnh tắm truồng, chọc phá nhau của những người lính sinh viên hồn nhiên như nhất và trong ba lô vẫn còn mang theo nào là những chú ve kim, những hòn bi ve đủ màu. 

Đối với Thành, mẹ là hình tượng quan trọng nhất của cuộc đời anh và dù đã trở thành một chàng sinh viên đại học thì khi đối diện với mẹ, Thành vẫn tự cảm thấy mình đang là một đứa trẻ. Anh luôn ân hận vì đã làm mẹ giận trước đây và day dứt vì đã không chịu nằm yên cho mẹ đánh. Anh chỉ ước có được ngày chiến thắng để trở về nằm xuống cho mẹ đánh thật đau. Thành hy sinh khi đang ngăn cản địch cắm cơ lên Thành Cổ. Trước khi hy sinh, anh ngẩng mặt lên trời và gọi thật to 2 tiếng "Mẹ ơi! Mẹ ơi".

Khát khao được hạnh phúc

Lại nói về Long, một chàng trai có tính cách thâm trầm như nước chảy. Trước khi lên đường nhập ngũ, Long đã phải chứng kiến cảnh gia đình không trọn vẹn khi tham gia phiên toà ly hôn của bố mẹ. Sau khi phiên toà kết thúc, Long chạy ngay về nhà xếp hai cái giường ly thân làm một và mang tấm ri-đô ngăn đôi căn phòng nhỏ ra chiến trường. 

Đây có thể coi như là một hành động thể hiện ý chí thay cho lời nói của anh chàng kiệm lời như Long. Ngôn từ thi ca không giúp anh hàn gắn được tình cảm của bố mẹ, anh chỉ còn cách dùng những hành động như một biểu tượng cuối cùng trước ngày ra chiến trường. Nhưng cũng chính tâm hồn thi ca ấy thúc đẩy anh đứng lên và tỏ tình với cô gái quê giặt quần áo ven đường. Sau khi nhận chiếc khăn thêu hẹn ước của cô, Long vẫn nhắn nhủ các bạn của mình là "phải sống sót để còn dự đám cưới của tớ đấy nhé".

Còn Thăng, anh là một người lính thông tin. Thăng là người đĩnh đạc và chững chạc nhất nhóm. Anh luôn là người đứng lên đưa ra những ý kiến sáng suốt nhất, bình tĩnh nhất. Khi phát hiện ở xác người lính địch tấm hình của mẹ anh ta, Thăng đã rủ các bạn đắp mồ chôn cất cẩn thận cho người lính đó vì "dù gì cũng đều là con người với nhau cả mà". Thăng rất chững chạc và có niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Anh tiên đoán trong nhật ký của mình rằng đến tháng 4/1975 đất nước sẽ được thống nhất. 

Cuối cùng, lời tiên đoán của anh đã chính xác. Chiến dịch mùa xuân năm 75 thành công rực rỡ. Chi tiết này lấy từ nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Anh viết 2 lần trong nhật ký là "Hẹn đến tháng 4/1975 sẽ trả lời câu hỏi hạnh phúc là gì?". Tuy nhiên, đạo diễn Hữu Mười chỉ dám để lời tiên đoán là tháng 4 vì "anh Thạc đã tiên liệu quá chính xác, nếu đưa vào phim sẽ thành thiên cưỡng mất. Nhưng điều đó thật kỳ diệu, không ai giải thích được". Đúng thế, có lẽ không ai giải thích được niềm tin mãnh liệt vào sự chiến thắng của những tâm hồn trẻ niềm khát khao hạnh phúc đang chảy rần rật trong huyết quản.

 

Là một bộ phim chiến tranh với kinh phí nhỏ hẹp chi vỏn vẹn 5 tỷ đồng, Mùi cỏ cháy đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của nó là truyền tải những thông điệp về sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh đã góp phần cho cuộc sống tươi đẹp mà chúng ta đang được thụ hưởng ngày nay. Và nổi bật hơn, đó là vẻ đẹp của tâm hồn người lính, ý chí người lính sinh viên Hà Nội trong hoàn cảnh ngặt nghèo của khói lửa đạn bom. Nhất là trong dịp tới đây, cả đất nước hướng về 10/10, ngày giải phóng thủ đô, mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.

Theo Kenh14.vn

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)