Phim “Hà Nội 12 ngày đêm” - Một dấu ấn của điện ảnh Việt Nam

Thành Phố Hà Nội
0

 Các phó đạo diễn là những người có uy tín: Khắc Lợi, Lê Thi, Bùi Trung Hải. Năm nhà biên kịch có tên tuổi được huy động tham gia viết kịch bản: Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu Lai, Nguyễn Thị Hồng Ngát. Sau bộ phim “Em bé Hà Nội” thì đây là một đề tài lớn, tái hiện lại một trong những huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ: Tên lửa phòng không của quân và dân Hà Nội đã chiến thắng pháo đài bay B52 hiện đại của Mỹ. Phim được sản xuất từ 1997, đến 2002 mới hoàn thành, kinh phí đầu tư trên 7 tỷ đồng và cũng là tác phẩm đầu tiên sử dụng những cảnh quay kỹ xảo vi tính, sử dụng âm thanh vòm lập thể ở nước ngoài.

Phim “Hà Nội 12 ngày đêm” - Một dấu ấn của điện ảnh Việt Nam ảnh 1

Một cảnh trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”

Mục đích quan trọng mà các tác giả phim muốn hướng đến là tạo ra một tác phẩm hoành tráng về cuộc chiến tranh đầy máu lửa của dân tộc ta, được tái hiện một cách trực diện, có sức khái quát cao, tương xứng với tầm vóc của đề tài. Lần đầu tiên trong phim truyện Việt Nam, công chúng được tận mắt nhìn những cảnh chiến tranh hiện đại trên không, được phản ánh, mô tả từ nhiều góc quay kỹ xảo đặc sắc, mới lạ và có hiệu quả đặc biệt, tạo sự cuốn hút hấp dẫn người xem.

Nội dung của phim là tập trung khắc tạc hình tượng tập thể, sức mạnh cộng đồng, tinh thần anh dũng hy sinh, ý chí kiên cường bất khuất của mỗi cá nhân góp vào làm nên gương mặt nhân dân, dân tộc Việt Nam trong một cuộc chiến khổng lồ. Dàn nhân vật được xây dựng mang dụng ý nghệ thuật khá sâu sắc. Đó là ba thế hệ kế tiếp: ông Lan Tâm đại diện cho lớp người mang đạo đức truyền thống, tư tưởng Nho giáo. Khi kẻ thù ném bom B52 xuống Hà Nội, ông ra đền Ngọc Sơn khấn Đức Thánh Trần và các vị anh hùng dân tộc phù hộ độ trì cho đất nước. Đặng Nhân, Trần Đại, Nguyễn Thắng, Ngân Hà, Thuỷ Tiên là biểu trưng cho lớp người mới, được tiếp thu những kiến thức thời đại và chính họ đã anh dũng thông minh làm nên chiến thắng. Cô giáo Hiền, vợ Đặng Nhân có thai. Lời độc thoại cuối phim: “Anh Nhân ơi! Trong em,  con chúng ta đang lớn lên từng ngày” là hình ảnh gợi về thế hệ thứ ba sẽ được sinh ra trong hòa bình, sẽ kiến tạo tương lai...

Thủ pháp đối lập tăng tiến, dồn đẩy các yếu tố kịch tính qua sự mô tả theo trình tự thời gian từ khi giặc Mỹ ném bom xuống Hà Nội mỗi ngày một khốc liệt hơn vào cuối tháng 12/1972: cảnh hết tên lửa trong khi máy bay địch rầm rầm tiến vào; cảnh chiến sỹ ta dũng cảm mưu trí, trong hoàn cảnh ngặt nghèo phải tìm ra cách đánh tối ưu hạ gục quân thù; cảnh bom đạn càng đổ xuống bao nhiêu thì lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu của quân dân ta càng tăng lên bấy nhiêu... đã tạo được hiệu ứng nghệ thuật trong tác phẩm.

Một số chi tiết đắt được chọn lọc kỹ càng như: người chiến sỹ phải xin phép mẹ và họ hàng, rời linh cữu của cha để đi làm nhiệm vụ; Tiểu đoàn trưởng Đặng Nhân phải chia tay người vợ trong ngày đầu tiên sau lễ cưới để trực tiếp chỉ huy đơn vị; Đôi tình nhân phải dừng nụ hôn lại trên ghế đá bờ hồ Hoàn Kiếm khi máy bay B52 tiến vào Hà Nội; Ngân Hà bị kẹt dưới tầng ngầm khu nhà đổ phố Khâm Thiên... đã để lại những ấn tượng mạnh mẽ. Các nhà làm phim muốn tạo ra một cấu, kiến trúc hiện đại, nhiều tầng, nhiều lớp. Tính đa cốt truyện, yếu tố ngoài cốt truyện và sức mạnh của cái ngẫu nhiên được chú trọng. Phim có sự đan xen của yếu tố sử thi và đời thường, xen lẫn hùng ca, bi ca và tình ca giữa khốc liệt của chiến tranh và sự thanh bình... Thời gian, không gian xáo trộn, song hành hiện thực và biểu trưng, gợi ra nhiều ý nghĩa, tạo được mỹ cảm trong phim.

Tuy nhiên, vì nội dung của tác phẩm lớn, nhiều nhân vật, tác giả phim sử dụng phương pháp phác họa nên khó giải quyết thấu đáo những mối quan hệ, khó làm bật được những tính cách điển hình. Người xem có cảm nhận một số chi tiết gắn với số phận nhân vật chưa được khai thác hết, chưa tạo được ấn tượng mãnh liệt...

Dù còn có những điều cần bàn thêm qua thử thách thời gian, phim “Hà Nội 12 ngày đêm” đã để lại nhiều dấu ấn đáng ghi nhận, là một tác phẩm Điển hình của điện ảnh Việt Nam trong thập niên đầu của thế kỷ 21!

Đăng nhận xét

0Nhận xét
Đăng nhận xét (0)